Mạnh Khương Nữ

Minh họa câu chuyện trong Liệt nữ truyện.

Mạnh Khương Nữ (chữ Hán: 孟姜女), hay Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành (孟姜女哭长城) là một câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian rất nổi tiếng của Trung Quốc. Câu chuyện kể về một người vợ vì chồng mất khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã than khóc và làm sụp đổ một góc thành.

Lịch sử

Theo dòng chảy thời gian, câu chuyện này trở thành một biểu tượng văn hóa, trong thi ca và trở nên cực kỳ phổ biến một cách rộng rãi không chỉ Trung Hoa mà còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Ngày nay, nó trở thành một trong 4 truyền thuyết dân gian nổi tiếng nhất của văn hóa Trung Hoa, bên cạnh Ngưu Lang Chức Nữ, Bạch Xà truyệnLương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Các học giả Trung Quốc thế kỉ 20 phát hiện ra rằng nhiều dị bản và biến thể của câu chuyện đã tồn tại hơn 2.000 năm trước[1].

Nhân vật nữ Mạnh Khương không phải họ Mạnh, mà là một cách đặt tên phổ biến thời Tiên Tần. Nàng ta mang họ Khương, một họ phổ biến của các quân chủ nước Tề và dòng dõi tông thất, và từ Mạnh để chỉ người con trưởng nhất của người vợ lẽ[2].

Nguồn gốc và câu chuyện

Lưu Hướng

Tuy các dị bản phổ biến của câu chuyện đều thống nhất bối cảnh là vào thời Tần Thủy Hoàng của triều đại nhà Tần, nhưng những dòng đầu tiên được đề cập, mà các học giả cho rằng là khởi nguồn của câu chuyện, bắt đầu từ thời Xuân Thu, thông qua Tả truyện.

Câu chuyện kể rằng sau khi một người lính nước Tề tên Kỷ Lương (杞梁) bị chết trận, Tề Trang công đã gặp vợ của họ Kỷ trên đường và sai người gửi lời chia buồn đến người vợ trẻ, lúc này chỉ ghi chung chung là vợ của Kỷ Lương. Người vợ từ chối lời chia buồn khi đang giữa đường, và Trang công đã phải mời vào trọ quán và chỉ rời đi khi các nghi lễ tưởng niệm hoàn tất[3].

Vào thời nhà Hán, học giả Lưu Hướng đã phát triển câu chuyện này trong tác phẩm Liệt nữ truyện của ông, một tác phẩm ghi chép về hành vi phụ nữ thời Tiên Tần và Hán nhằm mục đích chuẩn mực hóa đức tính của phụ nữ. Trong tác phẩm này, người vợ của Kỉ Lương vẫn chưa có tên gọi cụ thể, và câu chuyện nói rằng: "Sau khi chồng chết, người vợ không có con cái, không có họ hàng và cũng không còn nơi nào để đi. Nàng cuốn gém xác chồng, chôn xác dưới góc tường thành và nổi đau buồn của nàng ta làm cho bất cứ người đi đường nào cũng cảm động rơi lệ. Khoảng 10 ngày sau, một góc bức tường bị đổ sụp. Sau khi nghi lễ an táng cho chồng hoàn thành, nàng ta bày tỏ sự tiếc thương bằng việc than vãn rằng không thể làm gì khác ngoài chết[3].

Biến văn Mạnh Khương Nữ, bản chép tay ở Đôn Hoàng.

Càng về sau, khoảng thời đại nhà Đường, người phụ nữ trong câu chuyện mới được gọi là Mạnh Khương và câu chuyện có thêm nhiều tình tiết hoàn toàn mới. Khi ấy, triều đại nhà Đường hình thành từ chiến tranh và việc xây dựng những bức tường thành đồ sộ, đã dấy nên nỗi đau và gợi nhớ thời kì hung tàn của Tần Thủy Hoàng. Điều này thể hiện rõ ở những bài thơ Đường, và điều này dễ hiểu khi bối cảnh câu chuyện đặt vào thời kì cụ thể hơn là thời kì của Tần Thủy Hoàng.

Theo nhiều các phiên bản khác nhau, nhưng đều có sự tương đồng nhất định, câu chuyện đại khái được kể rằng: Ngay trong đêm tân hôn của Mạnh Khương Nữ với tân lang là một thư sinh Giang Nam tên, chồng Mạnh Khương Nữ bị triều đình bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành.

Đến mùa Đông, Mạnh Khương Nữ đan áo cho chồng và đã lặn lội tìm chồng để trao áo. Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin chồng mình bị chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng Mạnh Khương đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước hòa lẫn máu. Tiếng khóc của Mạnh Khương vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình. Nàng an táng cho chồng xong liền nhảy xuống biển tự vẫn.

Ngày nay, tại quận Sơn Hải Quan thuộc địa cấp thị Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc có miếu thờ Mạnh Khương Nữ.

Tham khảo

  • Doar, Bruce G. (2006). “The Rehabilitation–and Appropriation–of Great Wall Mythology”. China Heritage Quarterly. 7. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2014.
  • Hung, Chang-tai (1985). Going to the People: Chinese Intellectuals and Folk Literature, 1918–1937. Cambridge, Mass.: Harvard University Press. ISBN 0674356268.
  • Idema, Wilt L. (2008). Meng Jiangnü Brings Down the Great Wall: Ten Versions of a Chinese Legend. Seattle: University of Washington Press. ISBN 9780295987835.
  • —— (2010). “Meng Jiangnů and the Great Wall”. Trong Kang-i Sun Chang; Stephen Owen (biên tập). The Cambridge History of Chinese Literature. Cambridge University Press., pp. 404–408
  • —— (2012). “Old Tales for New Times: Some Comments on the Cultural Translation of China's Four Great Folktales in the Twentieth Century 二十世紀中國四大民間故事的文化翻譯” (PDF). Taiwan Journal of East Asian Studies. 9 (1): 25–46. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2014.
  • Lee, Haiyan (2005). “Tears That Crumbled the Great Wall: The Archaeology of Feeling in the May Fourth Folklore Movement”. Journal of Asian Studies. 64 (1): 35–65. doi:10.1017/S0021911805000057.
  • Lovell, Julia (2006). The Great Wall: China against the World, 1000 Bc-2000 Ad. New York: Grove Press. ISBN 0802118143.
  • Man, John (2008). The Great Wall. Cambridge, MA: Da Capo Press. ISBN 9780306817670.
  • Ouyang, Wenda 歐陽文達 (2013). 一本書還原歷史真相 Yiben shu huanyuan lishi zhenxiang (Truth in History). Taibei shi: Yuhe wenhua. ISBN 9576599504.
  • Waldron, Arthur (1990). The Great Wall of China: From History to Myth. Cambridge; New York: Cambridge University Press. ISBN 052136518X.

Chú thích

  1. ^ Doar (2006).
  2. ^ Ouyang (2013), tr. 26.
  3. ^ a b Idema (2010), tr. 204.

Liên kết ngoài